New Year - Start with Why

Vì sao 1.1 chưa phải là ngày đầu năm theo Human Design?

Lịch Human Design bắt đầu năm mới vào lúc nào? Có gì đặc biệt?

Chuẩn bị cho một năm tiếp theo như thế nào?


Trước khi bắt đầu mình sẽ giải thích 1 số thứ cơ bản.


Bánh xe bên dưới là vòng tròn chu kỳ của một năm, được chia thành 64 ngăn, còn gọi là 64 Cổng. Mặt Trời mất 1 năm để di chuyển đủ 1 vòng qua các cổng này. Trong đó, cổng 41 luôn là điểm bắt đầu của một năm mới.

 

Mỗi năm, Rave New Year diễn ra khi Mặt Trời bước vào Cổng 41 – Sự Co Lại. Cổng 41 là nơi năng lượng giảm dần, thu lại và trở về điểm bắt đầu từ con số 0. Đây cũng là cánh cổng của trí tưởng tượng, nơi bạn bắt đầu suy ngẫm về những điều mình muốn làm và trải nghiệm trong năm tới.


Năm nay, Human Design New Year đến vào 20h17ph ngày 22/01/2024. Đây là thời điểm chúng ta thực sự sẵn sàng cho năm mới.


Mỗi một chu kỳ đều có phần đầu, phần giữa và phần cuối. Để đón nhận một chu kỳ mới, chu kỳ cũ cần được hoàn thành và tổng kết lại, rút ra bài học. Nhờ đó, cái cũ được giải phóng để nhường chỗ cho cái mới phát triển.


Việc vội vàng lao vào cái mới, đặt ra những dự định, mục tiêu và quyết tâm (New Year Resolution) trước khi bạn hoàn thành chu kỳ cũ dễ mang lại thất vọng và áp lực.


Thay vì bước vội vào chu kỳ mới, hãy kiên nhẫn chờ đợi. Hãy cho mình đủ thời gian để “Tống Cựu, Nghênh Tân” – khép lại bức màn năm cũ một cách trọn vẹn để mở ra bức màn năm mới.


Quá trình tổng kết năm cũ diễn ra với 4 Giai Đoạn ứng với Cổng 38-54-61-60. Đây là quãng thời gian self-reflection để hoàn thành chu kỳ cũ và khởi đầu cho chu kỳ mới ở Giai Đoạn thứ 5 – Cổng 41 (hình dưới)

 

Chu kỳ Năm Mới trong Human Design diễn ra qua 5 giai đoạn, và điều đầu tiên bạn cảm nhận được trong quá trình này chính là áp lực.


Đó là vì tất cả những cổng này đều nằm ở hai trung tâm áp lực (Đầu và Gốc – hình dưới). Áp lực dồn nén cả về thể chất lẫn tinh thần, có thể khiến bạn muốn lao vào hành động vội vàng, gồng mình chống chọi, hay thậm chí tìm cách thoát khỏi nó.


Tuy nhiên, đây cũng là áp lực để biến đổi. Là động lực thúc đẩy bạn thay đổi, thôi thúc bạn dấn thân vào những điều mới mẻ.

 

Ngày 25 tháng 12, Mặt Trời đi vào Cổng 58 – Niềm Hân Hoan Vui Vẻ, trùng với Giáng sinh. Đây là lúc để ăn mừng, tận hưởng niềm vui và sự ấm áp của sum họp.


Bắt đầu từ ngày 1 tháng 1. Mặt trời di chuyển vào Cổng 38 – Chiến Binh (Fighter). Giai Đoạn này được gọi là “Giai đoạn Căng Thẳng”, nhưng thực chất nó cũng là thời gian để tìm kiếm mục đích và ý nghĩa thực sự – Tôi đấu tranh cho điều gì? Vì thế, đừng vội vàng lập kế hoạch hay hành động ngay lúc này.


Giai đoạn 2, được dẫn dắt bởi Cổng 54, liên quan đến việc tìm thấy những người đồng minh – Ai đồng hành với tôi?

Những giai đoạn tiếp theo, Cổng 61 và Cổng 60, xoay quanh việc hoàn thành và buông bỏ những điều cũ, để sẵn sàng cho một chương đầy hứa hẹn.


Cuối cùng, ngày 22 tháng 1, khi Mặt Trời đi vào Cổng 41 – Kẻ Mơ Mộng (Gate of Fantasy/Dreamer), chúng ta sẵn sàng bắt đầu năm mới! Đây là giai đoạn cuối cùng trong chu kỳ Năm Mới, khởi động một quá trình phát triển và trải nghiệm. Cổng 41 mang lại động lực để bắt đầu, không chỉ là một chu kỳ phát triển mà còn là trí tưởng tượng để hướng đến những tiến bộ, thay đổi và tăng trưởng.


Cổng 41, động lực để mơ mộng và cảm nhận. Đó là lý do trong 64 Cổng mà Mặt Trời đi qua, Cổng 41 đóng vai trò khởi động cho năm mới.


Phần còn lại của bài viết, chúng ta sẽ tập trung vào Giai Đoạn 1


Giai Đoạn 1 – Sự Căng Thẳng 

 

Bắt đầu: 31.12.23, 18h18 
Kết thúc: 05.01.24, 23h45


Hôm nay là ngày cuối của giai đoạn 1 nên có lẽ bài này được viết khá muộn. Nhưng không sao, chúng ta vẫn có thể thực hiện giai đoạn này trong ít ngày tới.


Để giúp bạn dễ hiểu hơn về giai đoạn này, mình xin mượn hình ảnh và thông điệp của cuốn Start With Why của Simon Sinek. Đây là lúc tập trung vào Why? – Mục đích của bạn.

 

Giai đoạn một bắt đầu cùng lúc chúng ta đón Tết Tây. Vì đây là Cổng Chiến Binh nên trong thời gian đó, có rất nhiều căng thẳng.


Trong giai đoạn này hãy bắt đầu với câu hỏi Tại Sao, mục đích và động lực của bạn. Cổng thứ 38 chỉ cho chúng ta biết liệu mình có tìm thấy mục đích sống hay không. Trong ngữ cảnh này, đó không hẳn là mục đích cho toàn bộ cuộc đời mà là trong chu kỳ trước đó.


Đêm Giao Thừa không phải là để hướng đến tương lai; mà để nhìn lại quá khứ và xem “cái gì hiệu quả hoặc không.” (what works what doesn’t work).


  • Điều gì khiến cuộc sống của bạn có ý nghĩa? Bạn có tìm thấy mục đích cho mình? Chiến binh luôn tìm kiếm ý nghĩa và mục đích cuộc sống. Những gì cho bạn “lý do” để tồn tại.

  • Bạn có tìm thấy đam mê? Trái đất đi vào Cổng 39, đây là động lực tìm kiếm sự giàu có về đời sống tinh thần. Năm trước bạn có tinh thần & sự đam mê không?

  • Năm ngoái có trọn vẹn không? 


Hãy tự đặt những câu hỏi này để biết điều gì khiến bạn thức dậy mỗi sáng, điều gì khiến bạn phấn khích, thôi thúc bạn tiến về phía trước. Hãy thực sự xem xét và khám phá xem “WHY” của bạn là gì, điều gì mang đến động lực cho chính bạn.


Ngay cả đối với sự nghiệp hoặc business của bạn, thì việc tự hỏi bản thân “Tại sao?” vẫn là điều vô cùng quan trọng, giống như doanh nghiệp cần nhìn lại mission & vision của mình. Vì sao bạn làm cái bạn đang làm?


Đối với những người chỉ có Cổng 28 trong design, thời điểm này trong năm có thể khá chật vật vì căng thẳng. Điều quan trọng là chấp nhận nó và hiểu rằng tìm kiếm mục đích là một cuộc chiến, nhưng là một cuộc chiến ý nghĩa. Đôi khi, người khác có thể không hiểu điều gì có ý nghĩa với bạn, nhưng điều quan trọng là bạn kiên trì và đấu tranh cho những gì là đúng đắn cho chính mình.


Tuần đầu tiên của năm mới luôn có cảm giác căng thẳng như vậy. Bạn có cảm giác “Yeah, năm mới rồi, bắt đầu thôi”, nhưng có một năng lượng mâu thuẫn kìm hãm bạn, khiến bạn phải chậm lại và suy ngẫm nhiều hơn.


Đó cũng là lý do tại sao nhiều mục tiêu năm mới (New Year Resolution) thất bại trong tuần đầu tiên. Tâm trí chúng ta đưa ra các mục tiêu dựa trên những hối tiếc trong quá khứ và cố ép buộc một kết quả cho tương lai. Nếu bạn muốn lập mục tiêu sao cho “thuận” hơn, hãy đợi đến ngày 22 tháng 1 khi năng lượng chung hỗ trợ bạn. Còn giờ, hãy xem xét lại năm cũ đã.


Và nếu bạn thắc mắc “Tôi có cần phải biết mục đích của mình là gì không?”


Câu trả lời của mình là Không.


Điều quan trọng là cảm nhận điều gì khiến bạn hạnh phúc, những gì khiến bạn rời khỏi giường mỗi sáng và những gì mang lại ý nghĩa cho một ngày của bạn. Bạn muốn làm gì? Bạn đã thấy trọn vẹn và thoả mãn (hoặc chưa) ở đâu? Thậm chí bạn có thể nói “Được rồi, mình đã chọn con đường này, nhưng nó không trọn vẹn”. Nhận biết nó, rút kinh nghiệm và để nó qua. Đơn giản là chỉ cần ngồi xuống với những câu hỏi này.


Tháng trước khi mình đến gặp Adrienne để bàn về khoá học Living Your Design kế tiếp. Cả 2 có thảo luận về cái gọi là mục đích cuộc đời. Trong Human Design, Mục Đích Cuộc Đời không phải là bạn phải trở thành ai, bạn phải làm cái gì mà nằm trong cách bạn thể hiện bản chất cốt lõi của mình trong cuộc sống mỗi ngày, trong từng việc bạn làm, với từng người bạn gặp. Và nó chỉ đến khi bạn là chính bạn. Cho đến một ngày bạn chợt tỉnh ra “Ồ thì ra đây là con đường của mình?”.


Vì thế, chờ đợi, suy ngẫm và thành thật với bản thân về những gì được và chưa được đối với bạn là điều quan trọng. Đừng quá chỉ trích bản thân nếu đã sai lầm hay thất bại – chỉ cần nhận ra và chấp nhận. Cho phép bản thân ngồi với sự căng thẳng và áp lực bên trong và để nó trôi qua mà không hành động theo. Điều này sẽ giúp bạn bắt đầu kết nối với “TẠI SAO” của mình. Mang đến cơ hội thực sự thư giãn và là chính mình. Vì vậy, bạn chỉ cần là chính bạn.


Khi bạn có thể thư giãn với việc chỉ là chính mình, bạn thực sự có thể tìm thấy mục đích của mình là gì, tại sao bạn ở đây, điều gì thúc đẩy bạn, điều gì truyền cảm hứng cho bạn, điều gì thắp sáng bạn. Bởi vì điều đó sẽ giúp bạn mang những món quà quý giá của mình đến với thế giới này.


Cuối cùng, hãy luôn nhớ rằng bạn đang chiến đấu vì điều gì.

——

Bài lần đầu đăng tại đây:

https://wildnote.substack.com/p/new-year-start-with-why