CHÍN TRUNG TÂM

Các Trung tâm là những “trạm năng lượng” (energy hub) trong Bodygraph và có mối liên hệ sinh học với các tuyến, cơ quan và chức năng khác nhau trong cơ thể vật lý của chúng ta. Trong biểu đồ năng lượng của mỗi người, các trung tâm này có thể được tô màu (được định hình) hoặc để trắng (linh hoạt). Chúng cũng có thể biểu hiện ra những hành vi lành mạnh hoặc không lành mạnh tùy thuộc vào người đó được điều kiện hoá như thế nào trong cuộc sống và họ có lắng nghe sự hướng dẫn từ cơ thể mình hay không.

Hiểu về các trung tâm giúp chúng ta nhận thức rõ hơn và phân biệt được giữa hoạt động của tâm trí và thiên hướng năng lượng tự nhiên của cơ thể. Nhận ra những điểm mạnh bẩm sinh của mình có thể mang lại cảm giác ổn định và vững chắc trong cuộc sống. Đồng thời, nhận diện được những khía cạnh “mở/linh hoạt” của bản thân sẽ giúp bạn biết mình cần chọn lọc điều gì, và trở nên sáng suốt hơn trước những gì bạn tiếp nhận từ thế giới xung quanh.

Hãy khám phá thêm về từng trung tâm để hiểu rõ hơn chức năng của chúng, và bắt đầu suy ngẫm xem những đặc điểm này thể hiện ra sao trong chính cuộc sống của bạn.

Trung Tâm Đầu

Chúng ta bắt đầu với Trung tâm Đầu, với chức năng liên quan đến Cảm Hứng. Về mặt sinh học, trung tâm này liên quan đến tuyến tùng – cơ quan điều tiết chu kỳ giấc ngủ của chúng ta thông qua việc tổng hợp melatonin từ serotonin, đồng thời chuyển các tín hiệu từ hệ thần kinh đến các hoạt động nội tiết và hormone. Tại đây, chúng ta cảm nhận áp lực để suy nghĩ, khao khát tìm hiểu, đặt câu hỏi “Tại sao?” và nỗ lực để hiểu những bí ẩn lớn lao của cuộc sống. Trung tâm này chứa đựng cả logic của nghi ngờ và tìm tòi, cả trừu tượng từ những mơ hồ về quá khứ, cùng áp lực phải giải quyết những điều chưa biết.

Một Trung tâm Đầu định hình (tô màu) sẽ phát ra một tần số ổn định – đó có thể là cảm hứng hoặc nghi ngờ, sự sáng tỏ hoặc mơ hồ bối rối, khoảnh khắc ngộ ra điều gì đó, hoặc khi áp lực đó quay vào bên trong – đó sẽ là nỗi lo âu và trầm cảm về tinh thần. Trung tâm này có khả năng mang lại nguồn cảm hứng phong phú cho người khác, nhưng cũng có thể tạo ra áp lực người khác phải trả lời các câu hỏi không liên quan đến cá nhân người đó.

Ngược lại, nếu Trung tâm Đầu không định hình (để trắng), nó sẽ hấp thụ tần số này, và đôi khi có thể trở nên rối trí, bị thúc ép phải suy nghĩ và tìm hiểu, hoặc cũng có thể tận hưởng cảm hứng từ người khác truyền đến. Với một trung tâm đầu không định hình, bạn có thể tự hỏi: “Liệu tôi có đang cố gắng trả lời những câu hỏi của người khác hay không?”

TRUNG TÂM AJNA

Trung tâm Ajna đại diện cho hoạt động tư duy, xử lý dữ liệu và chi tiết, kể chuyện trừu tượng, cũng như phát triển ý tưởng cá nhân. Tương quan sinh học với tuyến yên, đóng vai trò điều phối hoạt động của các tuyến nội tiết, thúc đẩy hoặc ức chế việc sản xuất hormone. Trung tâm Ajna tiếp nhận áp lực từ Trung tâm Đầu để suy nghĩ, từ đó thực hiện các hoạt động phân tích, tổ chức, lý luận, so sánh và khái niệm hóa. Dù khía cạnh tư duy có thể mang lại những hiểu biết giá trị cho người khác, nhưng nó không bao giờ là “thẩm quyền” cho cá nhân.

Ajna định hình (tô màu) có cách suy nghĩ và tổ chức thông tin một cách ổn định, nhất quán. Bạn có thể giữ vững các quan điểm, cách nhận diện các khuôn mẫu, những điều bạn biết hoặc tin tưởng. Một Ajna định hình thường suy nghĩ và có thể cảm thấy chắc chắn với suy nghĩ đó.

Trong khi đó, một Ajna không định hình (để trắng) lại là một tâm trí mở, luôn sẵn sàng thử nghiệm các cách suy nghĩ khác nhau, nhìn sự việc theo góc độ mới và nhận ra ai là người có sự sáng suốt trong tư duy. Nếu bạn có Ajna không định hình, hãy tự hỏi: “Mình có đang cố gắng tỏ ra chắc chắn không? Mình có lo lắng vì không có câu trả lời không?”

Hãy nhớ, nếu Ajna của bạn không định hình, bạn không cần phải giả vờ rằng mình luôn chắc chắn. Thay vào đó, hãy tận hưởng trải nghiệm của một tâm trí cởi mở và linh hoạt.

TRUNG TÂM HỌNG

Mọi con đường đều dẫn về Trung tâm Họng – chức năng khởi xướng, biểu hiện, giao tiếp và hành động (đặc biệt khi được kết nối với một nguồn năng lượng). Trung tâm Họng chính là sự biểu đạt của năng lượng, liên quan sinh học đến tuyến giáp – cơ quan điều chỉnh quá trình trao đổi chất, cân nặng và nhiệt độ cơ thể. Đây là nơi tiếng nói của chúng ta được hình thành để thể hiện những điều ta biết, ý tưởng, ký ức, niềm tin, đóng góp, cho đến thể hiện sự nhiệt huyết – hoặc đôi khi là sự thiếu nhiệt tình. Trung tâm này tạo ra sự chuyển đổi, bằng cách mang đến ngôn ngữ để diễn đạt trải nghiệm của chúng ta, và cũng như một dấu chấm câu, nó giúp khép lại một câu chuyện, đưa ra góc nhìn hoặc đánh dấu sự hoàn tất của trải nghiệm.

Nếu Trung tâm Họng định hình (tô màu), nó có cách giao tiếp cố định, với tần số biểu đạt nhất quán và một cách riêng biệt để giải thích mọi thứ. Tuy nhiên, nó có thể bị sa lầy vào việc diễn đạt quá nhiều chi tiết, hoặc khăng khăng theo cách của mình, tùy thuộc vào trung tâm hoặc các trung tâm mà nó kết nối.

Ngược lại, Trung tâm Họng không định hình (để trắng) lại có khả năng nhận diện sự thật và ai là người thực sự có điều cần nói. Sự biểu đạt của nó mang tính đa dạng, có thể khuếch đại nhiều giọng nói từ những người xung quanh và dễ cảm thấy áp lực phải nói, hoặc đôi khi có xu hướng thu hút sự chú ý. Nếu trung tâm này không định hình, bạn hãy tự hỏi: “Mình có cảm thấy thoải mái với sự im lặng không? Mình có đang cố gắng thu hút sự chú ý không?”

TRUNG TÂM G

Trung tâm G – nơi cư ngụ của “người cầm lái” (driver) – liên quan đến định hướng, hành vi, cảm giác về nơi chốn, thuộc về đâu đó, vị trí trong cuộc sống và trải nghiệm về tình yêu. Về mặt sinh học, trung tâm này gắn với chức năng của gan, giúp điều tiết lượng máu và dòng chảy năng lượng sống trong cơ thể. Nằm ở trung tâm của biểu đồ cơ thể, Trung tâm G mang lại cho chúng ta quỹ đạo phù hợp trong cuộc sống.

Nếu bạn có Trung tâm G định hình (tô màu), bạn có thể sở hữu một cảm giác ổn định về bản dạng, thường đi kèm với một trải nghiệm rõ ràng về hành vi bản thân hoặc hướng đi trong cuộc sống – như thể bạn có một cảm nhận về “mình là ai” và điều gì khiến bạn yêu thích. Trung tâm G định hình thường mang lại một định hướng nội tại vững chắc, đồng thời có khả năng định hướng cho những người khác.

Trong khi đó, Trung tâm G không định hình (để trắng) lại giống như một “tắc kè hoa,” có khả năng nhận diện ai là người có danh tính ổn định và ai có hướng đi rõ ràng. Trung tâm này rất nhạy cảm với môi trường xung quanh, dễ dàng hấp thụ ảnh hưởng từ nơi chốn, như không gian công cộng, nơi sinh sống, nơi làm việc, hay thậm chí là những người trong môi trường của bạn. Vì không có sự cố định bên trong về phương hướng và danh tính, Trung tâm G không định hình đôi khi có thể khiến bạn cảm thấy lạc lối và bối rối.

“Bạn có đang tìm kiếm tình yêu và phương hướng không?” Nếu Trung tâm G của bạn không định hình, hãy nhớ rằng câu trả lời không nằm ở đây. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc lắng nghe chiến lược và thẩm quyền bên trong của chính bạn.

TRUNG TÂM TIM/EGO

Tiếp theo, chúng ta đến với Trung tâm Tim – trung tâm của ý chí, bản ngã. Trung tâm này liên quan đến lòng dũng cảm, khả năng kiểm soát, sức mạnh để đương đầu với cuộc sống và khẳng định bản thân. Trung tâm Ego cũng là nơi chứa đựng cảm giác sở hữu, khả năng thuyết phục, thực hiện cam kết hoặc chiến đấu để trở thành người giỏi nhất. Năng lượng ở đây cho phép làm việc, nhưng chỉ khi nó có ý chí, khi nó muốn, và trong những điều kiện phù hợp.

Nếu bạn có Trung tâm Ego định hình (tô màu), bạn có khả năng cam kết với nhiệm vụ và động lực để thực hiện những lời hứa của mình. Đôi khi, đặc điểm này có thể khiến bạn trở nên cứng đầu, cạnh tranh, thậm chí có thể bị người khác nhìn nhận là hơi áp đặt. Bạn hãy tự hỏi: “Mình có đang gây áp lực cho người khác để họ phải chứng minh giá trị không? Mình có gặp sự kháng cự vì bản chất quá cương quyết không?” Điều quan trọng là cần thiết lập các thỏa thuận lành mạnh, cho phép bản thân và người khác có không gian để tiến triển theo ý chí tự nhiên của mỗi người.

Ngược lại, Trung tâm Ego không định hình (để trắng) không phải là nơi để đưa ra lời hứa, tham gia cạnh tranh hay mãi chạy theo vòng xoay của việc cải thiện bản thân. Những người này có thể cố gắng bù đắp cho sự bất an của mình bằng cách cam kết quá mức và tìm cách chứng minh giá trị, dẫn đến nhiều vấn đề hơn liên quan đến cảm giác tự tin và giá trị bản thân. Hãy tự hỏi: “Mình có đang đưa ra những lời hứa mà mình không thể giữ không?” Trung tâm Ego không định hình có thể học hỏi từ việc quan sát ý chí của người khác (thay vì cố trở thành giống họ), và trở nên khôn ngoan hơn trong việc nhận ra giá trị mình mang lại bằng cách lắng nghe chiến lược và thẩm quyên của chính mình.

TRUNG TÂM LÁCH

Trung tâm Lách – nơi chứa đựng nhận thức cổ xưa của cơ thể, gắn liền với bản năng sinh tồn nguyên thủy, phản ứng miễn dịch, trực giác, vị giác, thính giác và khứu giác. Trung tâm này có liên hệ sinh học với hệ bạch huyết – hệ thống giúp cơ thể nhận biết tình trạng sức khỏe và sự an toàn, hoặc cảm giác nguy hiểm, như việc lông tay dựng đứng hay nghe thấy điều gì đó bằng cả cơ thể.

Nếu Trung tâm Lách định hình (tô màu), nó giao tiếp với bạn thông qua các giác quan, qua làn da, và thông qua cảm nhận ngay tại thời điểm hiện tại. Nó thì thầm những chỉ dẫn như: “Hãy đi theo hướng đó.” Và bạn cũng hay nói: “Mình biết điều này rồi mà!” sau khi sự việc đã xảy ra. Nhưng câu hỏi quan trọng là: “Bạn có đang phớt lờ bản năng của mình không?”

Ngược lại, nếu Trung tâm Lách không định hình (để trắng), nó có xu hướng bám víu, hoặc không biết nên bám lấy điều gì. Khi đó bạn có thể cảm thấy bất an, thiếu ổn định trong khả năng phân biệt điều gì an toàn và điều gì không ngay tại thời điểm đó. Trung tâm Lách không định hình có khả năng nhận diện ai là người khỏe mạnh và mang lại cảm giác tốt, nhưng cũng dễ bám víu vào cảm giác an toàn từ người khác – ngay cả khi người đó không thực sự tốt cho bạn. Nếu bạn thuộc trường hợp này, hãy tự hỏi: “Mình có đang bám vào những thứ không tốt cho bản thân không?”

Những phương pháp nhẹ nhàng và toàn diện về sức khỏe có thể giúp ích nhiều cho người có Trung tâm Lách không định hình. Đây là cơ hội để bạn thử nghiệm và tìm ra điều gì thực sự phù hợp với mình.

TRUNG TÂM XƯƠNG CÙNG

Trung tâm Xương Cùng – nơi chứa đựng sức mạnh to lớn và năng lượng sống, khả năng tạo ra năng lượng, xây dựng, duy trì, làm việc chăm chỉ và kết thúc một ngày với cảm giác mệt mỏi nhưng thỏa mãn/hài lòng. Đây là nguồn năng lượng cho sinh sản, nhịp điệu của cuộc sống, và các nguồn lực để đầu tư vào một hướng đi cụ thể. Trung tâm này cung cấp năng lượng để đi qua các chu kỳ trải nghiệm của cuộc sống hoặc theo đuổi mục tiêu với sự tập trung cao độ. Bước từng bước, hoặc bận rộn liên lục, Trung tâm Xương Cùng phản hồi với cuộc sống và mang lại năng lượng để chăm sóc những gì nó tạo ra.

Nếu bạn có Trung tâm Xương Cùng định hình (tô màu), năng lượng mạnh mẽ và rộn ràng của bạn sẽ bao trùm những người xung quanh, kéo họ vào quầng năng lượng của mình. Đây là một trung tâm không có sự tự nhận thức tự nhiên, nhưng lại tạo ra năng lượng thô và thuần túy để duy trì khi nó đã nói “đồng ý.” Tuy nhiên, nếu tham gia vào những công việc không phù hợp, bạn có thể cảm thấy bế tắc, kiệt sức, thậm chí dẫn đến bỏ cuộc hoặc kiệt quệ. Hãy tự hỏi: “Mình đang tái tạo năng lượng, hay đang tự làm cạn kiệt chính mình? Mình có thực sự hài lòng không?”

Ngược lại, nếu Trung tâm Xương Cùng không định hình (để trắng), bạn có thể gặp khó khăn trong việc nhận biết khi nào là đủ. Trung tâm này dễ hấp thụ năng lượng từ môi trường xung quanh và rơi vào trạng thái làm việc quá tải, vì không có cơ chế nội tại để nhận biết khi nào cần dừng lại hoặc đã mệt mỏi. Bạn có thể nhận diện ai là người có năng lượng, và trải nghiệm nó thông qua họ, nhưng bạn cũng cần nhận biết mình có đang bị “nghiện” nguồn năng lượng đó không? Hãy nhớ rằng, bạn không cần phải cố theo kịp nhịp sống này. Hãy tự hỏi: “Mình có biết khi nào nên dừng lại không?”

TRUNG TÂM ĐÁM RỐI DƯƠNG

Trung tâm Đám Rối Mặt Trời – làn sóng cảm xúc mà một người trải nghiệm. Đây là nơi chứa đựng sự nhạy cảm, lãng mạn, kịch tính, đam mê, những cảm nhận tinh tế về cảm xúc, kỳ vọng, nhu cầu và cả những câu chuyện tình yêu không được đáp lại. Trung tâm này liên quan đến hóa học của cảm xúc, liên quan sinh học với hệ thần kinh, phổi, thận, bàng quang, tuyến tụy và tuyến tiền liệt. Nó cũng là nơi ta trải nghiệm các yếu tố của nước – sự uyển chuyển, và gió – hơi thở. Tại đây, chúng ta tìm thấy khát khao và động lực cho những trải nghiệm mới, nhu cầu thay đổi và tiến bộ.

Trung tâm Đám Rối Mặt Trời vận động theo những làn sóng cảm xúc, cần thời gian để xử lý những đỉnh cao và đáy sâu của cảm xúc để đạt đến sự sáng tỏ. Nó có thể là nơi hướng ngoại, giao tiếp xã hội (social), hoặc xa cách (anti-social). Nó có thể nóng bỏng và đam mê, hoặc lạnh lùng và khép kín với sự thân mật – tất cả phụ thuộc vào tâm trạng.

Nếu bạn có Trung tâm Đám Rối Mặt Trời được định hình (tô màu), bạn chung sống với làn sóng này. Nó phát ra tần số của tiến trình cảm xúc, dù bạn ý thức hay không, thiết đặt tâm trạng và ảnh hưởng đến môi trường cảm xúc của mọi người xung quanh. Khi được định hình, đây chính là thẩm quyền ra quyết định của bạn. Nhưng trung tâm này đòi hỏi thời gian – bởi vì “không có sự thật trong hiện tại,” khi mọi thứ luôn biến đổi. Hãy chờ làn sóng cảm xúc lắng xuống, và nó sẽ hướng bạn đi đúng đường.

Ngược lại, Trung tâm Đám Rối Mặt Trời không định hình (để trắng) không có cách thức ổn định để xử lý cảm xúc. Nó hấp thụ và khuếch đại cảm xúc của những người xung quanh, đôi khi không nhận ra rằng những cảm xúc đó không phải là của chính mình. Đây là dấu hiệu của một người đồng cảm, nhưng cũng có thể khiến họ phát triển cơ chế tự bảo vệ bằng cách nói dối, tránh né đối đầu và giữ kín một thế giới nội tâm riêng. Bạn có đang che giấu sự thật không? Bạn có đang né tránh mâu thuẫn và đối đầu không?

TRUNG TÂM GỐC

Ở phần đáy của biểu đồ cơ thể là Trung tâm Gốc, đại diện cho động lực và sức bền. Đây là nguồn gốc của sự khao khát trải nghiệm, nhu cầu được nuôi dưỡng và cung cấp năng lượng cho cơ thể, hay động lực đứng lên đấu tranh vì sự sống hoặc một lý tưởng đáng giá. Trung tâm Gốc mang đến áp lực để đối mặt với khủng hoảng, và sự thôi thúc để hành động nhanh chóng khi cần thiết. Về mặt sinh học, trung tâm này gắn liền với tuyến thượng thận – nằm ngay phía trên thận, sản sinh các hormone steroid như adrenaline và cortisol, giúp cơ thể xử lý căng thẳng.

Nếu bạn có Trung tâm Gốc được định hình (tô màu), khi ở trạng thái lành mạnh, bạn sẽ có cách xử lý căng thẳng ổn định và tự điều tiết. Bạn có thể linh hoạt chuyển đổi giữa trạng thái nghỉ ngơi và hoạt động, đối mặt hoặc thoát khỏi nguy hiểm, hoặc giữ một trạng thái thư thả. Tuy nhiên, hãy tự hỏi: “Mình có đang kìm nén quyết tâm hoặc động lực để hành động không? Mình có đang gây áp lực khiến người khác phải vội vàng không?”

Ngược lại, nếu Trung tâm Gốc không định hình (để trắng), bạn sẽ cảm nhận được sức sống, tham vọng và sức bền từ những người mang năng lượng này. Tuy nhiên, áp lực từ họ có thể khiến bạn cảm thấy cơ thể mình cần hoàn thành mọi việc càng nhanh càng tốt để giải tỏa cảm giác áp lực đó. Nếu bạn có Trung tâm Gốc không định hình, hãy tự hỏi: “Mình có đang cảm thấy bị thúc không? Mình có nhận ra khi nào cần chậm lại không? Mình có biết cách giao việc để giảm bớt áp lực không? Hay mình chỉ đang vội vàng để cảm thấy tự do hơn?”

Trên đây là mô tả sơ lược về chín trung tâm. Bạn có thể đặt lịch Tham Vấn để tìm hiểu chi tiết hơn hoặc tham gia khoá học Sống Thuận Thiết Kế để học cách làm việc sâu với những năng lượng này